Dự án điện gió tại Việt Nam: cơ hội và thách thức



11/07/2022

Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới đây của Bộ Công Thương trình Chính phủ, ngành điện đặt ra lộ trình cắt giảm điện than, chuyển đổi bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí [1]. Đây là điều kiện thúc đẩy ngành năng lượng điện gió phát triển. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh: bên cạnh cơ hội tăng trưởng cao ngành công nghiệp này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức.

Cơ hội

Phát biểu tại hội thảo “Kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi” do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tổ chức ngày 6/7/2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh: trong bối cảnh các nguồn thủy điện lớn đã khai thác hết, nguồn nhiệt điện gặp khó khăn, nguồn nhiệt điện khí hóa lỏng giá thành cao và phụ thuộc vào thị trường thế giới thì giải pháp hữu hiệu là năng lượng tái tạo. Cần đẩy mạnh khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng “sạch” này. Cũng trong hội thảo đã đề cập đến việc cải thiện cơ cấu ngành, đảm bảo an ninh năng lượng cũng như giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường [1].

Theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Chính phủ đặt mục tiêu tỉ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo đạt khoảng 30% vào năm 2030. Kết quả tổng kết năm 2021 cho thấy tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo đạt 27% tổng công suất toàn hệ thống.

Riêng về điện gió, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được rà soát thì Việt Nam dự kiến nâng tổng công suất điện gió từ khoảng trên 4000 MW năm 2022 lên khoảng 16121 MW điện gió trên bờ và gần bờ, 7000 MW điện gió ngoài khơi (năm 2030).

Theo Báo cáo về tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các vùng biển có khả năng khai thác tiềm năng năng lượng gió tốt nhất là Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau và một phần vùng biển trung tâm vịnh Bắc Bộ. Đặc biệt, tiềm năng gió đạt ở mức tốt đến rất tốt ở khu vực biển Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu với tốc độ gió trung bình năm từ 8m - 10m/s, mật độ năng lượng trung bình năm phổ biến từ 600W đến trên 700 W/m2. Tiềm năng năng lượng sóng vùng ven biển Việt Nam thông qua số liệu trích xuất tại 20 điểm ven bờ và các trạm hải văn cũng cho thấy vùng có năng lượng sóng lớn nhất tập trung ở khu vực Trung Bộ (từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận) và thấp hơn dải ven biển Bắc Bộ và Nam Bộ [2]. 

 

Bản đồ tài nguyên gió Việt Nam. Nguồn: [3]

Cuối năm 2021 Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng thế giới đã tổ chức Hội thảo “Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”. Ông Kim Hojlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam phát biểu, khi Việt Nam đã xác định sẽ chuyển đổi ngành năng lượng theo hướng “xanh”, điện gió ngoài khơi chắc chắn là một trong những lựa chọn hiệu quả nhất và điều này đã được chứng minh ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Đan Mạch [4].

Có thể thấy, việc phát triển ngành công nghiệp điện gió có tác động rất lớn đến nhiều mặt về kinh tế - xã hội. Cụ thể, đây là nguồn cung năng lượng sạch, đồng thời góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Song song đó, khi triển khai các dự án điện gió sẽ cần đến số lượng lớn nhân công địa phương. Không chỉ có vậy, ngoài mục đích khai thác điện năng phục vụ sinh hoạt, các dự án điện gió còn có thể giúp địa phương phát triển du lịch. Hình ảnh cẩu trục siêu trường, siêu trọng nâng cánh quạt, những hàng tuabin thẳng tắp được chia sẻ trên mạng xã hội thu hút lượng lớn khách tham quan, giúp phát triển ngành du lịch của địa phương.

Cánh đồng quạt gió Bạc Liêu. Nguồn: baclieutravel.

Cánh đồng quạt gió đảo Phú Quý, Bình Thuận. Nguồn: diadanhbinhthuan.com.

Thách thức

Tuy có cơ hội phát triển do thuận lợi về chiều dài vùng biển rộng lớn, số giờ vận hành trong năm cao nhưng điện gió ngoài khơi còn gặp nhiều trở ngại. Nguyên nhân vì đây là loại hình chưa có kinh nghiệm phát triển ở Việt Nam do tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ, quy trình cũng như thủ tục đầu tư, quy mô đầu tư lớn. Chính vì vậy theo ông An [1] việc hiện thực hóa lượng công suất quy hoạch điện gió ngoài khơi vào năm 2030 là một thách thức lớn.

Cánh đồng chong chóng gió Bạc Liêu. Nguồn: viettravel.

Dù tiềm năng phát triển rất lớn, song số lượng các dự án được thực hiện còn rất ít. Nguyên nhân trước tiên là về cơ chế chính sách chưa đồng bộ. Quy hoạch quốc gia và quy hoạch tỉnh, thủ tục đầu tư cũng như hợp đồng mua bán điện vẫn chưa được ban hành đầy đủ, thống nhất [5].

Một thách thức khác cũng khá quan trọng – công nghệ, kỹ thuật. Để triển khai các công trình điện gió cần đến thiết bị, nhà máy và công nghệ vận hành tiên tiến. Thiết bị để nâng các tuabin là thiết bị siêu trường, siêu trọng nhưng cơ sở hạ tầng đường, cảng hiện nay còn khá thô sơ dẫn đến rủi ro cao và không an toàn. Cùng với đó là sự thiếu hụt năng lực chuyên môn trong khâu quản lý, vận hành, bảo dưỡng. Thách thức lớn đối với các dự án điện gió ngoài khơi trong quá trình thi công, lắp đặt: nền địa hình, địa chất tương đối phức tạp, chế độ thủy triều không ổn định. Chính vì vậy, trước khi tiến hành thi công cần có công tác khảo sát địa chất đầy đủ, chuẩn bị hồ sơ và phương án thiết kế phù hợp. Có như vậy việc xây dựng các nhà máy điện gió mới thuận lợi và giảm thiểu tối đa rủi ro. Công suất của công trình phụ thuộc vào mức gió của khu vực. Tuy nhiên, vùng thuận lợi để đặt nhà máy khai thác lại thường xa vùng tiêu thụ, do đó gây trở ngại rất lớn trong công tác vận hành, ổn định hệ thống [6].

Thách thức về kinh tế, tài chính lớn nhất là khả năng thu xếp vốn của chủ đầu tư. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị độc quyền trong hoạt động thanh toán và đàm phán hợp đồng mua bán điện. Do đó các nhà đầu tư lo ngại sự thiếu minh bạch trong giao dịch với EVN, không mang lại lợi nhuận lâu dài. Việc triển khai các dự án điện gió cũng vướng phải khó khăn về việc giải phóng mặt bằng, thi công móng trụ tuabin, trụ đường dây dẫn, hành lang tuyến đường dây ảnh hưởng đến việc mất đất trồng trọt, không đảm bảo được một số vấn đề về an sinh xã hội [7]. 

Tóm lại

Tuy năng lượng điện gió có nhiều tiềm năng phát triển, song thực tế vẫn tồn tại nhiều thách thức. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo [7], bao gồm:

  • Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

  • Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/9/2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

  • Quyết định số 1264/QĐ-TTg ngày 01/10/2019 phê duyệt Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

  • Quyết định số 1743/QĐ-TTg ngày 03/12/2019 phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

  • Nghị quyết số 55 - NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để khai thác được nguồn năng lượng tái tạo này cần có những cơ chế riêng biệt, đầu tư bài bản và chiến lược quy hoạch cụ thể. Song song đó, khi lựa chọn đầu tư vào các dự án điện gió cần có sự tham khảo chuyên môn, hỗ trợ khảo sát địa chất và các thông tin liên quan rõ ràng, chính xác. Là một đơn vị có kinh nghiệm trong hoạt động khảo sát điện gió, IHCIC hi vọng sẽ đồng hành cùng bạn trong các dự án sắp tới. Tham khảo thông tin về dịch vụ của chúng tôi tại đường link: http://ihcic.vn/khao-sat-dia-chat-dien-gio.html/ 

Ngoài ra, quý bạn đọc có thể tham khảo bản đồ các dự án điện gió ở Việt Nam tại địa chỉ: https://www.stimson.org/2020/mekong-infrastructure-tracker-tool/. Bản đồ này hiển thị các dự án điện gió ở Việt Nam theo vị trí, hiện trạng và quy mô dự án. Danh sách này còn thiếu nhiều dự án đã đi vào hoạt động thương mại từ tháng 10 năm 2021 nhưng có thể tham khảo thông tin chi tiết về công suất gió và đường ống dự án trong tương lai của Việt Nam.

Nguồn tham khảo:

[1] Đa dạng nguồn năng lượng: Tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi, Đức Dũng, 22/04/2022, Thông tấn xã Việt Nam.

[2] Phát triển điện gió ngoài khơi, tận dụng nguồn năng lượng bền vững, Thủy Trần, 13/05/2022, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (MOIT).

[3] Thông tin về năng lượng gió tại Việt Nam, Nguyễn Quốc Khánh, 04/2021, Dự án năng lượng gió GIZ/MoIT.

[4] Điện gió, tiềm năng phát triển kinh tế biển, Lê Văn Chương, 11/04/2022, Báo Hải quân Việt Nam.

[5] Tình hình phát triển điện gió và khả năng cung ứng tài chính cho các dự án ở Việt Nam, Phan Thanh Tùng, Vũ Chi Mai và Angelika Wasielke, 03/2012, Dự án Năng lượng gió GIZ.

[6] Điện gió tại Việt Nam: Nhận diện thách thức và đề xuất giải pháp phát triển, Hoàng Thị Xuân (NCS. Học viện Khoa học Xã hội), 27/12/2021, Tạp chí Công thương.

[7] Tháo gỡ rào cản phát triển điện gió ngoài khơi, Phan Trang, 07/07/2022, Báo Điện tử Chính phủ.

[8] Stimson Mekong Infrastructure Tracker, được hỗ trợ bởi USAID và The Asia Foundation, 06/04/2022, nền tảng Datawrapper.


Bài viết liên quan